Lực lượng quân sự Chiến_dịch_CQ-88

Việt Nam

Hải quân Nhân dân Việt Nam vào cuối những năm 1970 và những năm 1980 còn mỏng và yếu.

Chủ trương chiếm quần đảo Trường Sa của Trung Quốc đã hình thành ngay từ trước khi Quân dội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ngay sau khi chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm (Nguyệt Thiềm), nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Sài Gòn vào năm 1974, Trung Quốc đã vạch tiếp kế hoạch chiếm Trường Sa. Kế hoạch này của Trung Quốc đã bị lực lượng tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam phát hiện. Ngày 9-4-1975, Tổng quân ủy Quân đội Nhân dân Việt Nam đã gửi Bộ Tư lệnh tiền phương Quân chủng Hải quân đặt tại Đà Nắng một bức điện hỏa tốc tối mật:

Có tin đối phương chuẩn bị rút khỏi các đảo ở Trường Sa. Kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân đội nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm.

— Tổng Quân ủy[3]

Trong các ngày 9-4-1975 đến 29-4-1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã mở Chiến dịch Trường Sa và các đảo trên Biển Đông, thu hồi 5 đảo từ tay quân đội Sài Gòn gồm Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh TồnTrường Sa Lớn. Việc Hải quân Nhân dân Việt Nam thu hồi và đóng giữ tại 5 đảo quan trọng này đã bước đầu ngăn chặn âm mưu thôn tính quần đảo Trường Sa của Trung Quốc.

Lực lượng chiến đấu chủ lực của Hải quân Việt Nam vào đầu năm 1975 là 2 tàu hộ vệ chống ngầm lớp Petya II có lượng dãn nước tối đa 1.150 tấn, trang bị 4 pháo 76 mm, 4 dàn rốc két chống ngầm và 5 ống thả thủy lôi chống ngầm. Đây là lớp tàu chạy bằng tua bin khí được chế tạo từ năm 1959 nên vào những năm 1980, nhiên liệu khí đốt là vấn đề rất lớn dối với Hải quân Việt Nam. Năm 1975, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 4 tàu tên lửa cao tốc lớp Osa III có lượng dãn nước 209 tấn, mỗi tàu được trang bị 4 tên lửa đối hạm P-15 Termit và 2 pháo phòng không AK-230. Các tàu này cùng với 6 tàu phóng lôi lớp Turya, 2 tàu quét mìn lớp Sonya và 2 tàu đổ bộ lớp LCU-1466 hợp thành Hạm đội cơ động 171 (nay là Lữ đoàn 171), lực lượng dự bị chiến lược của quân chủng. Trong các chiến dịch tại quần đảo Trường Sa từ 1978 đến 1988, Hạm đội 171 làm nhiệm vụ yểm hộ phía sau, đề phòng Hải quân Trung Quốc đánh vào vùng thềm lục địa ngoài khơi Nam Bộ, nơi có các công trình kinh tế kỹ thuật dầu-khí đang hoạt động.

Lực lượng chủ lực thứ hai của Quân chủng Hải quân Việt Nam là Lữ đoàn 172 (Hạm đội cơ động 172) gồm 4 tàu tên lửa Osa III mới được viện trợ gồm HQ-358, HQ-359, HQ-360, HQ-361; 4 tàu phóng lôi Turya gồm HQ-331, HQ-333, HQ-334, HQ-335; 2 tàu quét mìn Sonya HQ-861, HQ-816; 2 tàu cá có vũ trang HQ-669, HQ-670 và 2 tàu đổ bộ LCU 455, LCU 458. Lữ đoàn 172 có nhiệm vụ bảo vệ Vịnh Bắc Bộ, vùng cửa vịnh Bắc Bộ và vùng biển duyên hải Bắc Trung Bộ.

Tham chiến trực tiếp tại Trường Sa trong các giai đoạn của chiến dịch là binh lực của Vùng Duyên hải 4 của Quân chủng Hải quân. Hạm tàu chủ lực của Hải quân vùng 4 là tàu hộ tống HQ-07 thuộc Lớp tàu hộ tống Petya của Hạm đội 171 được phối thuộc cho đơn vị và tàu tuần dương HQ-01 (nguyên là chiếc HQ-15 Phạm Ngũ Lão, chiến lợi phẩm thu được từ Hải quân VNCH), các tàu quét mìn HQ-851 và HQ-852 lớp Yuka được sử dung như tàu pháo, các tàu vận tải đổ bộ lớp LST-542 HQ-501, LST-848 HQ-505 và LCU-556; các tàu vận tải có vũ trang nhẹ HQ-582, HQ-604, HQ-605, HQ-611, HQ-614, HQ-712.

Sau Trận Gạc Ma, Bộ Tư lệnh Hải Quân Nhân dân Việt Nam điều động thêm Lữ đoàn 172 (Hạm đội cơ động 172) vào bảo vệ duyên hải miền Trung; điều động Lữ đoàn 171 (Hạm đội cơ động 171) ra bảo vệ các cụm nhà dàn DK1 đang được xây dựng và các dàn khoan dầu ở thềm lục địa phía Nam do VietSo Petro đang vận hành.

Trung Quốc

Sau khi Việt Nam thống nhất, quân đội Trung Quốc đã vạch một chiến lược khác để chiếm Trường Sa và tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Thay vì chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" như đã làm ở Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc thực hiện chiến lược "tằm ăn lá dâu". Việt Nam trở thành đối tượng tác chiến chủ yếu của quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ năm 1978 đến năm 1986, Hải quân và Không quân Xô viết đã duy trì một lực lượng lớn ở căn cứ Cam Ranh của Việt Nam và phát huy sức mạnh của nó trên khắp biển Đông với hơn 50 máy bay quân sự các loại và trên 30 tàu chiến thuộc phân hạm đội phía Nam của Hạm đội Thái Bình Dương. Trong điều kiện ấy, Trung Quốc không dám động binh. Chỉ từ năm 1986, khi Mikhail Gorbachov trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, thực hiện chính sách hòa hoãn với Mỹ, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cắt giảm lực lượng quân sự, ảnh hưởng quân sự của Liên Xô trên Biển Đông suy giảm, Trung Quốc mới có điều kiện để tiếp tục thực hiện chiến lược chiếm Trường Sa.[4]

Trong các hoạt động quân sự ở biển Đông từ các năm 1987 đến 1989, Trung Quốc đã huy động một lực lượng hải quân rất lớn gồm:

  • Thê đội 1 có 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, 1 tàu trinh sát điện tử giả danh tàu nghiên cứu, quan trắc dân sự (chiếc Hải Dương 04), 2 tàu kéo và 1 phao bè lớn (Ponton).
  • Thế đội 2 có các lực lượng chủ yếu của Hạm đội Nam Hải đóng tại các căn cứ Trạm Giang (Sở chỉ huy hạm đội), Hải Khẩu, Tam Á, Ngang Thuyền Châu (cạnh Hồng Kông) gồm 4 tàu khu trục, 6 tàu hộ vệ tên lửa, 3 tàu pháo, 5 tàu phóng lôi, 4 tàu đổ bộ, 2 tàu vớt mìn, 4 tàu vận tải, 2 phao bè, Lữ đoàn Hải quân đánh bộ số 1, 1 phi đội máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6, 2 trung đoàn không quân hỗn hợp đóng tại Du Lâm và Linh Thủy.[5]

Lực lượng Hải quân Trung Quốc trực tiếp tham gia xung đột quân sự tại tam giác Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin có 3 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 1 tàu đổ bộ và một số tàu, thuyền hậu cần đảm bảo.

Philippines

Trước năm 1975, Hải quân Philippines có lực lượng mỏng yếu, chỉ gồm 4 tàu hộ tống hạng nhẹ và một số tàu tuần duyên bảo vệ vùng lãnh hải ven bờ. Trong Chiến dịch Mùa Xuân 1975, Hải quân của quân đội Sài Gòn là quân chủng tham gia rất hạn chế vào các hoạt động quân sự. Phần lớn các chiến hạm quan trọng của Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ chạy sang cảng Subich của Philippines như:

Ngoài ra, còn có Tàu hộ vệ HQ-07 Đống Đa, Tàu hộ vệ HQ-08 Chi Lăng, Tàu hộ vệ HQ-11 Chí Linh, Tàu hộ vệ HQ-12 Ngọc Hồi, Tàu hộ vệ HQ-14 Vạn Kiếp và hàng trăm tàu pháo, tàu vớt mìn, tàu tuần duyên, tàu vận tải của Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ chạy sang Philippines và bị nước này chiếm giữ. Nhờ số tài sản quân sự khổng lồ thu giữ được từ Hải quân Việt Nam Cộng hòa, trong thập kỷ 1980 của thế kỷ XX, Philippines đột ngột nổi lên thành một cường quốc khu vực Biển Đông về hải quân. Dựa trên cơ sở lực lượng này, từ năm 1978, Philippines bắt đầu có những yêu sách mạnh mẽ về chủ quyền trên Biển Đông.

Malaysia

Mặc dù là quốc gia tiếp giáp hai đại dương nhưng trong những năm 1980-1990, Malaysia vẫn không có hải quân đủ mạnh. Quân số của Hải quân Hoàng gia Malaysia chỉ khoảng 10.000 người. Chiến hạm chủ lực của Hải quân Malaysia là Tàu khu trục Hang Tuah có lượng dãn nước 2.337 tấn đã qua tay Anh và Ghana sử dụng. Malaysia cũng có tàu hộ tống Rahmat mua lại của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, lượng dãn nước 1,600 tấn cùng cặp tàu đổ bộ Sri Indera SaktiMahawangsa có lượng dãn nước 4.300 tấn mỗi chiếc. Ngoài ra, Malaysia còn có 7 tàu đổ bộ kiểu LST, 8 tàu tuần duyên có lượng dãn nước dưới 400 tấn và một số tàu phóng lôi dưới 100 tấn. Năm 1983, Hải quân Malaysia được trang bị một số tên lửa chống tàu Exocet MM38 mua của Pháp lắp trên các tàu khu trục và tàu hộ tống, biến chúng thành các tàu hộ vệ tên lửa có sức chiến đấu khá cao. Malaysia đòi hỏi chủ quyền đối với 27 thực thể địa lý ở phía Nam Biển Đông, trong đó có 12 thực thể địa lý nằm trong khu vực Trường Sa.